Hợp đồng thương mại là hình thức pháp lý của hành vi thương mại, là sự thỏa thuận giữa hai hay nhiều bên (ít nhất một trong các bên phải là thương nhân hoặc các chủ thể có tư cách thương nhân) nhằm xác lập, thay đổi hay chấm dứt quyền và nghĩa vụ của các bên trong việc thực hiện hoạt động thương mại.

Trong quá trình đàm phán, thực hiện hợp đồng thương mại, nhà đầu tư có thể gặp phải những rủi ro do thiếu kinh nghiệm khi soạn thảo hợp đồng, cụ thể:

1. Hợp đồng các bên ký kết bị vô hiệu

Hợp đồng vô hiệu là những hợp đồng không tuân thủ các điều kiện có hiệu lực do pháp luật quy định nên không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh quyền và nghĩa vụ của các bên. Theo đó, dẫn đến hậu quả các bên sẽ phải hoàn lại cho nhau những gì đã có, không phục lại tình trạng ban đầu trước khi hai bên ký kết hợp đồng.

Có hai loại hợp đồng vô hiệu: Hợp đồng vô hiệu toàn bộ (toàn bộ nội dung thỏa thuận của hợp đồng không có giá trị pháp lý) và hợp đồng vô hiệu một phần (một phần nội dung của hợp đồng vi phạm quy định của pháp luật dẫn đến không phát sinh hiệu lực, phần giao dịch vô hiệu không ảnh hưởng đến hiệu lực phần còn lại của hợp đồng)

Theo quy định tại Bộ Luật Dân sự 2005, Hợp đồng chỉ có hiệu lực khi đáp ứng đủ các điều kiện nhất định, nếu hợp đồng không đáp ứng được một trong các điều kiện đó, hợp đồng sẽ bị vô hiệu, cụ thể:

  • Các bên tham gia ký kết hợp đồng phải hợp pháp, có đủ điều kiện, thẩm quyền: Các bên giao kết phải có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, năng lực pháp luật.
  • Các bên ký kết hợp đồng phải hoàn toàn tự nguyện: Việc ký kết hợp đồng phải xuất phát từ ý chí thực, tự do, mong muốn của các bên mà không bị đe dọa, cưỡng ép hay lừa dối.
  • Nội dung của hợp đồng không trái pháp luật và đạo đức xã hội: Đối tượng của hợp đồng không thuộc hàng hóa cấm giao dịch, công việc cấm thực hiện. Đồng thời, nội dung của hợp đồng phải cụ thể và có tính khả thi. Nếu đối tượng của hợp đồng không thể thực hiện được thì hợp đồng cũng không được coi là có hiệu lực pháp lý.
  • Thủ tục và hình thức của hợp đồng phải tuân theo những thể thức nhất định phù hợp với những quy định của pháp luật đối với từng loại hợp đồng: Phải lập thành văn bản; phải có các nội dung cơ bản trong hợp đồng; phải được công chứng, chứng thực tai văn phòng công chứng có chứng năng.
  • Hợp đồng thương mại các bên ký kết không phải là giả tạo, không bị nhầm lẫn.

2. Hợp đồng các bên soạn thảo, ký kết có nội dung không chặt chẽ, bất lợi

Hợp đồng không chặt chẽ là hợp đồng có những điều khoản quy định không rõ, có nội dung bất lợi cho một bên mà theo đó có thể dẫn đến những thiệt hại nặng nề không đáng có về vật chất, uy tín, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Hợp đồng không chặt chẽ dẫn đến các hậu quả như sau:

a) Bên đối tác lợi dụng sự sơ hở của hợp đồng để trục lợi:

Trên thực tế, nhiều nhà đầu tư kinh doanh sẵn sàng dùng những chiêu trò bằng cách “gài” những điều khoản “bẫy” để gây thiệt hại cho đối tác kinh doanh trong hợp đồng thương mại vì “thương trường như chiến trường”. Chính vì vậy, chỉ cần thiếu sự cẩn trọng, tỉ mỉ, cẩn thận và khôn ngoan, nhà đầu tư kinh doanh có thể rơi vào tình cảnh “gậy ông đập lưng ông”.

b) Khi có tranh chấp xảy ra, doanh nghiệp không bảo vệ được quyền và lợi ích của mình do điều khoản hợp đồng bất lợi:

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, tranh chấp, mâu thuẫn giữa các bên phát sinh là điều khó có thể tránh khỏi. Khi xảy ra tranh chấp, các bên sẽ xem xét căn cứ để chứng minh lỗi và từ đó truy trách nhiệm. Hợp đồng thương mại chính là căn cứ sát sườn, rõ nét và quan trọng nhất giúp các bên làm rõ tranh chấp, xác định sự đúng sai để giải quyết tranh chấp tồn tại.

 

Để được tư vấn, hỗ trợ đàm phán, soạn thảo hợp đồng thương mại và giải quyết các tranh chấp phát sinh từ rủi ro trong soạn thảo hợp đồng thương mại, Quý Khách vui lòng liên hệ:

Công ty luật TNHH An Phước

Địa chỉ: P408, tòa nhà F4, Trung Kính, Yên Hòa, Cầu Giấy, Hà Nội

Điện thoại: 024.222.55.266

Email: anphuoclaw@gmail.com